Nhưng cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khánh thành sáng nay không chỉ là hành trình được rút ngắn mà còn mang trọng trách rất lớn với vựa nông sản của cả nước. Bởi chưa đầy nửa tháng trước đó,Đằngsaunhữnghànhtrìnhđượcrútngắkobeni Báo cáo thường niên ĐBSCL 2023 cho thấy, kinh tế của vùng đồng bằng lớn nhất cả nước phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Đáng lo ngại là tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của ĐBSCL vẫn cao nhất nước, vì thế thu nhập bình quân của ĐBSCL luôn thấp hơn bình quân cả nước. Kết quả này đặt ra nhiều lo ngại cũng như nguy cơ không chỉ cho "vựa nông sản" mà nhiều địa phương khác ở phía nam. Bởi cũng chính các nguyên nhân này dẫn đến làn sóng di cư ở miền Tây được công bố chưa đầy 1 năm trước gây bàng hoàng cho không ít người. Theo đó, chỉ trong vòng 10 năm đã có hơn 1,3 triệu người ĐBSCL di cư ra khỏi vùng này do thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất và sinh kế khan hiếm ở nông thôn.
Một trong những lý do quan trọng dẫn đến kết quả đáng buồn nói trên là hạ tầng ở ĐBSCL vừa yếu và thiếu. Thực tế, nghịch lý ĐBSCL, nơi xuất khẩu lúa gạo, nông thủy sản nhiều nhất cả nước nhưng tỷ lệ đường cao tốc lại thấp và tốc độ chậm hơn nhiều so với các vùng khác đã được đặt ra ở nghị trường Quốc hội năm 2020. Từ đó đến nay, rất nhiều dự án cao tốc, cầu, đường cho khu vực này đã được khởi công, xây dựng, cải thiện mạnh mẽ hiện trạng hạ tầng giao thông của miền Tây.
Trong ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sáng nay, nhiều người dân Cần Thơ không khỏi bồi hồi nhớ lại, trước kia từ TP.HCM về Cần Thơ phải qua 2 phà, khởi hành từ sáng sớm thì chiều tối mới về tới nơi. Hành trình đó được rút ngắn dần dần và 2 dự án này chính là mảnh ghép cuối cùng để hoàn chỉnh cả dải cao tốc từ TP.HCM về Cần Thơ kéo dài hơn 2 thập niên từ khi khánh thành cầu Mỹ Thuận. Từ hôm nay, chi phí đi lại, chi phí vận chuyển từ miền Tây về TP.HCM sẽ giảm xuống đáng kể, giúp hàng hóa cạnh tranh hơn, lợi nhuận từ nông nghiệp lớn hơn, đủ sức giữ chân người làm nông ở lại với chuồng trại, ruộng vườn thay vì xuất cư tự phát, kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội như hiện nay.
Một yếu tố không thể không nhắc đến là cầu Mỹ Thuận hiện nay do kỹ sư Úc và VN xây dựng; nhưng đến cây cầu Mỹ Thuận 2 khánh thành hôm nay, cũng là cầu dây văng lớn, phức tạp với nhịp chính dài 650 m; hai trụ tháp cao 125,5 m; 128 bó cáp văng và 32 đốt đúc, lại do người Việt thiết kế, thi công, làm chủ công nghệ hoàn toàn. Việc này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh đất nước đang tập trung đầu tư hạ tầng để đột phá kinh tế. Làm chủ công nghệ sẽ giúp chúng ta tiết giảm chi phí, chủ động được thời gian, tiến độ dự án, thay vì phụ thuộc vào nước ngoài như trước đây.
Miền Tây là vựa nông sản của cả nước, Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL, còn TP.HCM là thị trường tiêu thụ lớn nhất.... Kết nối 3 trục này, cùng với một loạt dự án cao tốc khác đã và đang hối hả về đích, chắc chắn sẽ giúp ĐBSCL đột phá, trở về với đúng giá trị của một trong những vùng đồng bằng trù phú, mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân như bao đời nay.